Thông tin sản phẩm
Thuốc Furosemid 40mg có dạng bào chế viên nén tròn hoặc trắng ngà, hai mặt trơn dùng điều trị phù phổi cấp; phù do tim, gan, thận và các loại phù khác; tăng huyết áp khi có tổn thương thận; tăng calci huyết.
1. Thành phần của thuốc Furosemide 40mg Mekophar 10×30
Furosemide 40mg.
Tá dược vừa đủ 1 viên: Tinh bột ngô, Lactose, Sodium starch glycolate, Magnesium stearate.
2. Công dụng của thuốc Furosemide 40mg Mekophar 10×30
2.1 Chỉ định
Thuốc Furosemid 40mg được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:
Phù trong suy tim sung huyết, bệnh thận và xơ gan.
Hỗ trợ điều trị phù phổi cấp.
Tiểu ít do suy thận cấp hoặc mạn tính.
Tăng huyết áp, đặc biệt do suy tim sung huyết hoặc do suy thận.
Điều trị hỗ trợ cơn tăng huyết áp.
Tăng calci huyết.
2.2 Dược lực học
Furosemid là thuốc lợi tiểu dẫn chất sulfonamid, cơ chế tác dụng chủ yếu là ức chế hệ thống đồng vận chuyển Na+, K+, 2Cl- ở đoạn dày của nhánh lên quai Henle, làm tăng thải trừ những chất điện giải này kèm theo tăng bài xuất nước. Thuốc cũng làm giảm tái hấp thu Na+, 2Cl- và tăng thải trừ K+ ở ống lượn xa và có thể tác dụng trực tiếp cả trên ống lượn gần. Furosemid không ức chế carbonic anhydrase và không đối kháng với aldosteron. Furosemid làm tăng đào thải Ca2+, Mg2+, hydrogen, amoni, bicarbonat và có thể cả phosphat qua thận.
2.3 Dược động học
Furosemid được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, sinh khả dụng khoảng 60 – 70%, nhưng hấp thu thay đổi và thất thường, bị ảnh hưởng bởi dạng thuốc, các quá trình bệnh tật và sự có mặt của thức ăn. Sinh khả dụng có thể giảm xuống 10% ở người bệnh thận, tăng nhẹ trong bệnh gan. Khoảng 99% furosemid trong máu gắn vào albumin huyết tương. Furosemid được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu, phần lớn dưới dạng không chuyển hóa. Thời gian bán thải từ 30-120 phút ở người bình thường, kéo dài ở trẻ sơ sinh và người suy gan, thận. Furosemid qua được hàng rào nhau thai và phân phối vào sữa mẹ. Độ thanh thải của furosemid không tăng khi thẩm phân máu.
3. Cách dùng – liều dùng thuốc Furosemide 40mg Mekophar 10×30
3.1 Cách dùng
Dùng đường uống.
3.2 Liều dùng
Phù:
Người lớn và người cao tuổi: Bắt đầu với 40mg vào buổi sáng và điều chỉnh liều dựa vào đáp ứng thuốc. Duy trì với 20mg/ngày hoặc 40mg cho những ngày tiếp theo, tăng liều khi bị phù dai dẳng tới 80mg hoặc hơn với 1 – 2 liều/ngày hoặc ngắt quãng. Trong những trường hợp nặng có thể yêu cầu điều chỉnh liều furosemid lên tới 600mg/ngày.
Trẻ em: 1 – 3mg/kg thể trọng/ngày, tối đa 40mg/ngày.
Tiểu ít:
Người lớn và người cao tuổi uống liều ban đầu 250mg/ngày; nếu cần thiết dùng liều cao hơn, tăng từng bước với 250mg, có thể cho uống mỗi 4 – 6 giờ tới liều đơn tối đa 2g.
Cao huyết áp:
Người lớn và người cao tuổi 40 – 80mg/ngày, dùng riêng hoặc phối hợp với những thuốc hạ huyết áp khác.
Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
3.3 Làm gì khi dùng quá liều?
Lợi ích của việc rửa dạ dày không chắc chắn. Tuy nhiên, ở bệnh nhân xuất hiện triệu chứng quá liều trong vòng 1 giờ sau khi uống, hãy xem xét sử dụng than hoạt tính (50g đối với người lớn, 1 g/kg đối với trẻ em).
Quan sát ít nhất 4 giờ, theo dõi nhịp tim và huyết áp. Điều trị hạ huyết áp và mất nước bằng các dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch thích hợp.
Theo dõi lượng nước tiểu và chất điện giải trong huyết thanh (kể cả clorua và bicarbonat). Cân bằng điện giải.
Bệnh nhân nên được khuyên khi xuất viện là tìm sự can thiệp y tế nếu những triệu chứng phát triển sau đó. Tích cực theo dõi để có biện pháp xử trí kịp thời.
3.4 Làm gì khi quên 1 liều?
Furosemide đôi khi chỉ được sử dụng một lần, vì vậy bạn có thể không theo lịch trình dùng thuốc. Nếu bạn đang sử dụng thuốc thường xuyên, hãy dùng thuốc càng sớm càng tốt, nhưng bỏ qua liều đã quên nếu gần đến thời gian dùng liều tiếp theo. Không dùng hai liều cùng một lúc.
4. Tác dụng phụ của thuốc Furosemide 40mg Mekophar 10×30
Khi sử dụng thuốc Furosemid 40Mg bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR).
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Máu và hệ bạch huyết: Giảm tiểu cầu.
Mắt: Rối loạn thị giác.
Tai: Bị điếc.
Hệ tim: Rối loạn nhịp tim.
Da và mô dưới da: Nhạy cảm với ánh sáng.
Hiếm gặp
Máu và hệ bạch huyết: Tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu, ức chế tủy xương.
Hệ thần kinh: Dị cảm, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu.
Hệ mạch: Viêm mạch
Da và mô dưới da: Ngứa, mày đay, ban da hoặc phồng rộp, sốt, nhạy cảm với ánh sáng, hồng ban da dạng tiết, ngoại ban bóng nước, viêm da tróc vảy, ban xuất huyết, AGEP và DRESS.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Yêu cầu theo dõi tình trạng lâm sàng:
Rối loạn nhịp tim: Nếu xảy ra, ngưng ngay furosemid.
Tổn thương gan.
Phản ứng đặc trưng.
Khi gặp tác dụng phụ của thuốc, cần ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Furosemide 40mg Mekophar 10×30
Trước khi sử dụng thuốc bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo thông tin bên dưới.
5.1 Chống chỉ định
Thuốc Furosemid 40mg chống chỉ định trong các trường hợp sau:
Mẫn cảm với furosemid, các dẫn chất sulfonamid, hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Giảm thể tích máu, mất nước, hạ kali huyết nặng, hạ natri huyết nặng.
Tình trạng tiền hôn mê gan. Hôn mê gan kèm xơ gan.
Vô niệu hoặc suy thận do các thuốc gây độc đối với thận hoặc gan.
Việc sử dụng thuốc lợi tiểu mạnh như furosemid có thể gây ra thiếu máu cục bộ ở não. Vì vậy không dùng để điều trị tăng huyết áp cho người cao tuổi.
Bệnh Addison.
Ngộ độc digitalis.
Phụ nữ đang cho con bú.
Dùng đồng thời với các thuốc bổ sung kali hoặc các thuốc lợi tiểu giữ kali.
5.2 Thận trọng khi sử dụng
Furosemid không được khuyên dùng cho:
Ở những bệnh nhân có nguy cơ cao đối với bệnh thận do các chất cản phóng xạ, không nên được sử dụng để lợi tiểu như một phần của biện pháp dự phòng đối với bệnh thận do chất cản phóng xạ.
Những bệnh nhân mắc các rối loạn di truyền hiếm gặp về dung nạp galactose, chứng thiếu hụt lactase Lapp hoặc rối loạn hấp thu glucose-galactose.
Cảnh báo đặc biệt và/hoặc giảm liều khi cần thiết:
Bệnh nhân lớn tuổi.
Tiểu khó bao gồm phì đại tuyến tiền liệt. Theo dõi chặt chẽ bệnh nhân tắc một phần đường tiết niệu.
Bệnh nhân tiểu đường (ngưng dùng furosemid trước xét nghiệm dung nạp glucose).
Phụ nữ mang thai.
Gout.
Bệnh nhân bị hội chứng gan – thận.
Suy giảm chức năng gan, thận.
Bệnh về tuyến thượng thận (chống chỉ định với bệnh Addison).
Hạ protein huyết như hội chứng thận hư (thận trọng đối với điều chỉnh liều là cần thiết).
Tăng calci huyết cấp tính. Điều trị chứng tăng calci huyết với furosemid liều cao làm suy giảm chất lỏng và điện giải, bổ sung chất lỏng và điều chỉnh điện giải là cần thiết.
Bệnh nhân có nguy cơ bị hạ huyết áp.
Thận trọng khi dung furosemid ở trẻ em, nhất là khi dùng kéo dài. Phải theo dõi cẩn thận cân bằng nước và điện giải. Furosemid chiếm chỗ của bilirubin tại vị trí gắn albumin, phải dùng thận trọng ở trẻ em bị vàng da.
Trẻ sơ sinh thiếu tháng (phải theo dõi chức năng thận và thực hiện siêu âm thận).
Hạ huyết áp có triệu chứng dẫn đến chóng mặt, ngất xỉu hoặc mất ý thức có thể xảy ra ở bệnh nhân điều trị với furosemid, đặc biệt ở người cao tuổi, bệnh nhân dùng các thuốc khác có thể gây hạ huyết áp và bệnh nhân với các tình trạng bệnh lý khác có nguy cơ gây hạ huyết áp.
Ở người bệnh giảm năng tuyến cận giáp, dùng furosemid có thể gây co cứng cơ (tetani) do giảm calci huyết.
Dùng furosemid được coi là không an toàn ở người bệnh bị rối loạn chuyển hóa porphyrin, vì thường kèm với đợt cấp của bệnh
5.3 Khả năng lái xe và vận hành máy móc
Thận trọng khi sừ dụng thuốc này cho người lái tàu xe hoặc vận hành máy, người làm việc trên cao và các trường hợp khác do thuốc có thể gây ù tai, giảm thinh lực.
5.4 Thời kỳ mang thai và cho con bú
Thời kỳ mang thai
Furosemid có thể làm ảnh hưởng đến thai do làm giảm thể tích máu của mẹ. Có bằng chứng thận ứ nước xảy ra ở thai khi mẹ điều trị với furosemid. Chưa có đầy đủ những nghiên cứu về ảnh hưởng cùa thuốc đối với phụ nữ mang thai, vì vậy chỉ dùng furosemid khi lợi ích trên mẹ lớn hơn nguy cơ đối với thai nhi.
Thời kỳ cho con bú
Dùng furosemid trong thời kỳ cho con bú có nguy cơ ức chế bài tiết sữa. Phụ nữ cho con bú nên ngừng cho con bú nếu dùng thuốc là cần thiết.
5.5 Tương tác thuốc
Khi dùng đồng thời furosemid với glycosid tim, thuốc lợi tiểu, thuốc chống tăng huyết áp hoặc các thuốc khác có tiềm năng giảm huyết áp.
Những ảnh hưởng gây độc của các thuốc gây độc thận có thể tăng lên khi dùng đồng thời các thuốc lợi tiểu mạnh như furosemid.
Thuốc chống loạn thần- furosemid gây giảm kali huyết sẽ làm tăng nguy cơ gây độc tim.
Tăng nguy cơ loạn nhịp thất với amisulpride hoặc sertindole. Tăng tác dụng hạ huyết áp với các phenothiazin.
Thuốc chống loạn nhịp tim (bao gồm amiodarone, disopyramide, flecainide và sotalol): Nguy cơ gây độc tim. Tác dụng của lidocain, tocainid hoặc mexiletin có thể bị đối kháng bởi furosemid.
Glycosid tim: Hạ kali huyết và rối loạn điện giải làm tăng nguy cơ gây độc tim. Cần theo dõi kali huyết và điện tâm đồ.
Thuốc làm kéo dài khoảng QT: Tăng nguy cơ độc tính đối với rối loạn điện giải gây ra bởi furosemid.
Thuốc làm giãn mạch: Tăng tác dụng hạ huyết áp với moxisylyte (thymoxamin) hoặc hydralazin.
Các thuốc lợi tiểu khác: Lợi tiểu rõ ràng có thể xảy ra khi dùng furosemid cùng với metolazon. Tăng nguy cơ hạ kali huyết với các thiazid.
Chất ức chế renin: Aliskiren làm giảm nồng độ furosemid trong huyết tương.
Nitrat: Tăng tác dụng hạ huyết áp.
Lithi: Nồng độ lithi huyết thanh có thể tăng lên khi lithi được dùng đồng thời với furosemid, dẫn đến tăng độc tính của lithi.
Sucralfat: Có thể làm giảm sự hấp thu ở dạ dày – ruột đối với furosemid.
NSAID: Tăng nguy cơ độc thận. Indometacin và ketorolac có thể gây đối kháng tác dụng của furosemid.
Các salicylate: Hiệu quả có thể được kích thích bởi furosemid. Độc tính salicylic có thể được tăng lên bởi furosemid.
Kháng sinh: Tăng nguy cơ độc tính dây thần kinh thính giác với các aminoglycosid, polixin hoặc vancomycin. Tăng nguy cơ độc thận với các aminoglycosid hoặc cefaloridin. Furosemid có thể làm giảm nồng độ vancomycin huyết thanh sau khi phẫu thuật tim. Tăng nguy cơ hạ natri huyết với trimethoprim. Sự suy giảm chức năng thận có thể phát triển ở những bệnh nhân điều trị đồng thời với furosemid và cephalosporin liều cao.
Thuốc chống trầm cảm: Tăng tác dụng hạ huyết áp với MAOIS. Tăng nguy cơ hạ huyết áp tư thế đứng với TCAs. Tăng nguy cơ hạ kali huyết với reboxetine.
Thuốc hạ đường huyết: Hiệu quả hạ đường huyết bị đối kháng bởi furosemid.
Thuốc chống động kinh: Tăng nguy cơ hạ natri huyết với carbamazepin. Tác dụng lợi tiểu bị giảm bời phenytoin.
Thuốc kháng histamin – hạ kali huyết cùng với tăng nguy cơ gây độc tim.
Thuốc kháng nấm: Tăng nguy cơ hạ kali huyết và độc thận với amphotericin.
Thuốc an thần và thuốc ngủ tăng tác dụng hạ huyết áp Cloral hoặc triclorfo có thể thay thế hormon tuyến giáp từ vị trí liên kết.
6. Bảo quản thuốc Furosemide 40mg Mekophar 10×30
Bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh sáng, nhiệt độ không quá 30°C.